lịch sử hình thành Xã Hải Long
Đăng lúc: 16:26:14 25/11/2020 (GMT+7)
Ngày 01/6/1988 Xã Hải Long được thành lập theo Nghị định số 19/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng (nay là chính phủ), trên cơ sở chia tách từ xã Hải Vân; ngày ấy xã Hải long có tổng diện tích tự nhiên 2.164,16ha, có 6 Hợp tác xã, dân số 2645 nhân khẩu, với 6 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ. Khơmer, êđê. Đến nay, Hải Long có 9 thôn, dân số 4.146 người. Nhân dân các dân tộc trong xã sống đan xen với nhau, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những giá trị to lớn đã được hun đúc bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà, từng bước xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên chính mảnh đất của quê hương Hải Long. Là xã miền núi, nằm về phía Tây bắc của huyện Như Thanh cách trung tâm huyện 1,5 km khá thuận lợi về giao thông có Quốc lộ 45 đi qua 2.5km, có tỉnh lộ 520: 4,5km vì thế có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, xã hội. Thế mạnh của Hải Long là phát triển một nền sản xuất nông, lâm nghiệp đa dạng, có khả năng phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông - lâm sản, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn cung cấp thực phẩm cho các vùng miền trong và ngoài huyện; hơn nữa Hải Long là địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng cụm công nghiệp, để các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh; có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú để phát triển công nghiệp; có Vườn Quốc gia Bến En; Một vùng đồi núi sơn thuỷ hữu tình Eo Nga, Eo Gấm, Bản Thái Vĩnh Lợi, bản mường Đồng Lớn, Đồng Xuân tạo nên một địa điểm đang hứa hẹn trở thành điểm sáng cho ngành du lịch của huyện, của tỉnh. Người dân Hải Long cần cù, chịu thương, chịu khó, được cơ chế chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất, kinh doanh và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, cùng với phương pháp lãnh đạo, điều hành đổi mới, sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã và đang phát huy lợi thế của mình, phấn đấu xây dựng quê hương Hải long ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhớ lại những năm đầu mới thành lập, Đảng ủy, chính quyền xã phải nhờ nhà dân để làm việc, Hải long gặp vô vàn khó khăn thách thức; là xã miền núi có điểm xuất phát thấp; đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn bản còn thiếu và hạn chế cả về số lượng, trình độ năng lực; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, nhất là giao thông. Tại thời điểm chia tách, hầu như phúc lợi xã hội tập trung trên địa bàn xã Hải Vân như: Công sở, nhà văn hóa, trạm y tế, chợ, cửa hàng mua bánvv; Hải Long chỉ được hưởng 4 phòng học đã xuống cấp trầm trọng của khu lẽ cấp 1- 2 Hải Vân, phải chằng chống mới dám cho giáo viên, học sinh vào dạy và học. Tại thời điểm xã mới thành lập trong bối cảnh đất nước ta đang lâm vào khủng khoảng kinh tế, do đó đối với địa phương mới được thành lập lại càng thêm muôn vàn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn rất cao (48,5% theo tiêu chí cũ). Kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong cơ cấu kinh tế 91,6%, là xã Nông nghiệp nhưng sản lượng lương thực hàng năm cũng mới chỉ đạt trên 430 tấn. Nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, kém phát triển. Một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động nông thôn thiếu việc làm nghiêm trọng phải đi kiếm việc làm khắp nơi trong và ngoài nước. Thực hiện Nghị định số 72-NĐ/CP ngày 18/12/1996 của chính phủ, Huyện Như Thanh chia tách từ huyện Như Xuân về đứng chân trên địa bàn xã ngày 01/01/1997, là vận hội cho Hải Long phát triển trong điều kiện thuận lợi mới. Hải Long để nhà công sở lấy nơi làm việc cho huyện và một lần nữa Đảng ủy, chính quyền xã lại nhờ nhà dân để làm việc, chờ xây dựng công sở mới. Thực hiện Nghị định số 44-NĐ/CP tháng 4 năm 2002 của chính Phủ, Năm 2002 xã Hải Long tách 3 thôn là Hải Tiến, Hải Ninh và Vĩnh Long cùng 3 thôn của xã Hải Vân thành lập Thị trấn Bến Sung; có trên ½ cán bộ chủ chốt, công chức xã Hải Long chuyển về đơn vị hành chính mới, gây không ít khó khăn về công tác cán bộ sau 14 năm xã được thành lập. Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã, phải phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, sáng tạo, tranh thủ thời cơ vận hội, vượt qua khó khăn thách thức, tổ chức khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực vốn có của địa phương, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển nhanh, giảm tỷ trọng ngành Nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề phụ và dịch vụ, thương mại, tập trung phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, từng bước thực hiện CNH - HĐH Nông nghiệp, nông thôn. Để có được sự phát triển và diện mạo như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân trong toàn xã, khẳng định sự trưởng thành, phát triển của xã trong nhưng năm qua và trong tương lai. Trước hết là những thành quả trên lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng trưởng bình quân ba mươi năm qua đạt 16% năm trở lên, tổng giá trị sản xuất năm 1988 chỉ đạt 87,5 triệu đồng, đến 2017 đạt 137,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 1988 mới đạt 32.000 đồng, đến năm 2017 đạt 32,5 triệu đồng/người/năm. Thành tựu quan trọng nhất trong phát triển kinh tế 30 năm qua chúng ta đã đạt được, là thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, giảm dần tỉ trọng Nông - Lâm nghiệp từ 91,6% năm 1988 xuống còn 41,2% năm 2017; tăng tỉ trọng Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng và dịch vụ từ 0,5% - 1,9%/năm 1988 lên 58,8% năm 2017. Ngành nông nghiệp có bước tiến bộ vượt bậc do áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điển hình là cấy lúa hàng rộng hàng hẹp, bón phân viên dúi sâu, thực hiện đổi điền dồn thửa, đưa máy cấy, mày cày, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây lúa nước tăng nhanh, từ 21,3 tạ/ha năm 1988 lên 57,6 tạ/ha năm 2017, sản lượng lương thực tăng từ 430 tấn năm 1988, lên trên 820 tấn vào năm 2017. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng cây chuyên canh, tập trung cây mía nguyên liệu cây keo và một số cây công nghiêp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông lâm nghiệp có bước phát triển tương đối bền vững và thân thiện với môi trường, giá trị kinh tế tăng cao. Cây keo cùng với cây lúa, cây mía đường đã trở thành 1 trong 3 loại cây trồng chính trên địa bàn và là cây thoát nghèo chính của địa phương trong những năm qua. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được quan tâm chú trọng, chính vì vậy, độ che phủ rừng của xã đạt trên 57% vào năm 2017. Trong chăn nuôi, mặc dù vài năm trở lại đây giá cả các mặt hàng thực phẩm không ổn định, nhưng tổng đàn vẫn giữ ở mức ổn định chất lượng thực phẩm vật nuôi được nâng lên đáng kể. Chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò được chú trọng, tỷ lệ bò lai tăng; Đặc biệt một số con nuôi đặc sản, như: lợn rừng, lợn cỏ, thỏ, dê, dúi, gà đồi, chim trĩ, ong mật đã và đang được nhân rộng. Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại có bước phát triển mới và thu được hiệu quả kinh tế cao. Chương trình Xây dựng nông thôn mới là một trong những đột phá của xã trong những năm qua. Xác định được ý nghĩa, sự cần thiết của Chương trình xây dựng NTM, cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, dân chủ, kết hợp sáng tạo huy động tổng hợp mọi nguồn lực, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả rất quan trọng; bộ mặt nông thôn không ngừng đổi thay, các công trình kinh tế, xã hội được triển khai xây dựng đồng bộ, đã huy động được một khối lượng lớn nguồn lực trong nhân dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững. Từ năm 2012 đến nay xã đã huy động 154,3 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn lực của nhân dân tự nguyện đóng góp trên 70%. Phong trào Chung tay xây dựng nông thôn mới đã đi sâu vào đời sống, tạo sức lan tỏa và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, trong đó điển hình là phong trào hiến đất đai, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; nhân dân trong xã đã hiến trên 2ha đất để xây dựng nông thôn mới; Với sự cố gắng đó, xã có 9 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; tháng 11/2016 xã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Công nghiệp dịch vụ - xây dựng, lao động xuất khẩu trong và ngoài nước luôn duy trì ở mức độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân tăng 20,5%/năm. Việc đổi mới, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vì vậy, đến nay trên địa bàn đã có 09 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng chục cơ sở sản xuất hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn, việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Hiện nay xã đang phối hợp với các ban, ngành cấp huyện chủ động xúc tiến đầu tư xây dựng các dự án giao thông, thuỷ lợi, du lịch; trọng tâm là tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch Bến en, du lịch sinh thái cộng đồng Eo Gắm Vĩnh lợi, cụm công nghiệp Gò tượng. Một trong những thành quả nổi bật của xã đạt được là sự tiến bộ vượt bậc trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chúng ta vẫn còn nhớ những con đường lầy lội vào ngày mưa, bụi mù vào trời nắng, trường học tranh tre nứa lá, công sở, nhà làm việc của xã thiếu thốn vào những năm đầu thành lập, nay đã được thay vào đó là những con đường nhựa, bê tông sạch sẽ, trường lớp học được kiên cố hóa, Trạm y tế, công sở, nhà làm việc, trung tâm văn hoá xã được đâu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ làm việc, đáp ứng kịp thời, hiệu quả các giao dịch của tổ chức và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Ba mươi năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, hàng chục tỷ đồng của ngân sách nhà nước và hàng trăm tỷ đồng đóng góp của nhân dân đã được huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; Các tuyến giao thông chính được nâng cấp, mở rộng, mở mới các tuyến giao thông nội đồng vận chuyển hàng hoá nông sản của nông dân bằng cơ giới thuận tiện cho việc đưa cơ giới hoá vào sản suất nông nghiệp của nông dân, hồ, đập, tràn, hệ thống thuỷ lợi đã và đang được đầu tư thi công. 100% các thôn, có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, khang trang, tiện nghi tương đối đầy đủ đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động văn hoá văn nghệ TDTT cho các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong xã. Điện lưới Quốc gia cũng đã được nâng cấp bổ sung thêm nhiều trạm biến áp nâng cấp đường dây đảm bảo nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt cũng như sản suất kinh doanh của người dân. Mạng lưới thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Giá trị dịch vụ bình quân hàng năm đạt 33,9 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm. Kết cấu hạ tầng dịch vụ phát triển nhanh như hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, các dịch vụ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong xã, trong huyện và các vùng lân cận. Các điểm du lịch, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đã được quy hoạch, từng bước đầu tư tôn tạo, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi giải trí, thu hút ngày càng nhiều khách đến địa phương thăm quan. Công tác thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng, kết quả thu năm sau cao hơn năm trước và luôn vượt dự toán Huyện giao. Năm 2015 thu đạt 7.4 tỷ đồng, năm 2017 thu đạt 10,2 tỷ đồng tăng trên 2000 lần so với năm 1988. Chi ngân sách bảo đảm chế độ về nguyên tắc tài chính, đáp ứng nhu cầu cho hoạt động của địa phương, ngoài ra còn tiết kiệm đầu tư cho phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở vật chất của địa phương. Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. 30 năm qua, mạng lưới, quy mô, cơ sở vật chất trường lớp học luôn được quan tâm xây dựng và nâng cấp khang trang sạch đẹp; 100% trường lớp được kiên cố hóa; Các trường đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường THCS được công nhận chuẩn quốc gia thư viện suất sắc tiêu biểu năm 2016. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chuẩn hóa đạt 100%. Hàng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc THCS và lên lớp ở các khối đạt 99%-100%, không có học sinh bỏ học; chất lượng mũi nhọn được chú trọng, bình quân hàng năm có 80 - 85 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; học sinh đậu Đại học đạt tỷ lệ cao; công tác khuyến học khuyến tài được các cấp, các ngành quan tâm, đã thực sự khích lệ được phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn xã đạt 64,3 %. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được tăng cường đầu tư, nhiều kỹ thuật được chuyển giao về trạm, qua đó người dân đã được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tại chỗ, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cho người dân. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân luôn được quan tâm. Đã mở rộng mạng lưới y tế từ xã đến thôn bản. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được tổ chức thực hiện tốt, nên không có dịch bệnh xảy ra toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đã có 100% số hộ dân trong toàn xã được dùng nguồn nước sạch và hợp vệ sinh. được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về Y tế giai đoạn đến năm 2020. Chú trọng và làm tốt công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 4,11% năm 1988, giảm còn dưới 0.8%/năm 2017. Các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm hỗ trợ kịp thời. Giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 46% năm 1988 còn 12% năm 2017. Các hoạt động xoá đói giảm nghèo được đẩy mạnh, bình quân hàng năm giảm từ 4- 5% hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều). Các chính sách xã hội đối với người có công, Thương binh, gia đình Liệt sỹ được tổ chức thực hiện chu đáo. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được các tầng lớp nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng, đã xây mới, sửa chữa hàng chục ngôi nhà tình nghĩa; đời sống của các đối tượng chính sách bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung toàn xã. Thực hiện các chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Hoạt động văn hoá - thông tin, tuyên tuyền, cổ động phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hệ thống truyền thanh được xây dựng và củng cố, phổ cập truy cập mạng imternet cùng với việc cung cấp đầy đủ các loại báo, tạp chí của Đảng, Nhà nước đã kịp thời đưa thông tin đến với đông đảo nhân dân. Phong trào Văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức và tham gia hội thao, hội thi, hội diễn các cấp, tạo nên không khí phấn khởi trong học tập, lao động sản xuất và cộng đồng dân cư, ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Tổ chức các hội thao, hội thi, đồng thời tham gia do huyện tổ chức đạt được nhiều giải thành tích cao. Thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ, các hủ tục, tập tục lạc hậu dần được đẩy lùi. Việc khai trương xây dựng, công nhận các cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, toàn xã đã khai trương xây dựng được 12/13 làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, trong đó 12/13 đơn vị được công nhận làng cơ quan văn hoá 1 làng văn hoá cấp tỉnh và 86% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các tổ bảo vệ ANTT và ANXH. Công tác đấu tranh phòng , chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chỉ đạo quyết liệt, các ngành các đoàn thể tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, nổi cộm, tồn đọng, không để kéo dài, không để xảy ra điểm nóng bất ngờ, khiếu kiện đông người. 30 năm đã tuyển chọn được 185 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ và đón nhận 185 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương. Địa phương luôn đạt đơn vị an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Được xác định là nhiệm vụ then chốt, công tác xây dựng Đảng được quan tâm lãnh đạo cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, bên cạnh những tác động tích cực có không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng luôn được đổi mới về nội dung, phương thức. Gắn chặt chẽ nhiệm vụ Xây dựng chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gìn giữ, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, hiệu quả trong lãnh đạo chỉ đạo, trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng ngày càng rõ nét, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo, quyết liệt trong hành động, toàn diện trên mọi lĩnh vực và đạt kết quả cao trên các lĩnh vực trọng yếu. Công tác tổ chức, cán bộ, phát triển đảng viên được quan tâm chú trọng đạt được nhiều kết quả. Những năm đầu mới thành lập, có điểm trắng, điểm ghép với chưa đầy 50 đảng viên, đến nay Đảng bộ có 13 chi bộ trực thuộc, với 139 đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên được nâng lên. Việc quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có nhiều đổi mới. Công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, đề nghị bổ nhiệm, bầu cử, các chính sách cán bộ được thực hiện nền nếp, đảm bảo nguyên tắc và quy định của Đảng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các, ban, ngành trong xã cơ bản đều đạt chuẩn theo quy định, năng lực lãnh đạo sau đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra giám sát được tổ chức thực hiện thường xuyên, đúng nguyên tắc, phát hiện sớm những sai sót, kịp thời giáo dục, uốn nắn và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Công tác dân vận của Đảng có nhiều đổi mới. Tăng cường nắm chắc tình hình, giám sát việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở. Phối hợp tốt trong công tác dân vận chính quyền, phối hợp cùng MTTQ và các đoàn thể trong vai trò phản biện xã hội nhằm xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền vững mạnh, của dân, do dân và vì dân. Bộ máy chính quyền được xây dựng, củng cố và hoàn thiện. HĐND đã phát huy được vai trò cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương. Tăng cường các hoạt động tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát, quyết định nhiều vấn đề lớn của địa phương, nhất là việc ban hành các Nghị quyết kích cầu để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng thuận cao. UBND trong quản lý, điều hành thể hiện rõ tính quyết liệt, hiệu lực và hiệu quả, đề cao kỷ luật, kỷ cương, hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Luôn năng động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND đạt kết quả cao nhất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc của nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức. Với phương châm hướng về thôn bản, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn để nhân dân hiểu, nhận thức đúng, tích cực hưởng ứng thi đua thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, Hải Long ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289
02373.742.289